Trục dọc giao thông miền Tây Phú Yên: Đổi thay một vùng đất

11:03, 21/03/2019 [GMT+7]

 

Trục dọc giao thông miền Tây Phú Yên: Đổi thay một vùng đất
Trục dọc giao thông miền Tây Phú Yên: Đổi thay một vùng đất

 

Sau 30 năm tái lập tỉnh, vùng đất vốn là căn cứ địa cách mạng ở miền Tây Phú Yên nay đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thay đổi này chính là việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc xây dựng trục giao thông miền Tây, nối liền ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk. Dọc theo tuyến đường này,  có thể cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có tuyến đường đi qua.

Xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, điểm xuất phát của tuyến trục dọc miền Tây đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên. Những chuyến xe chở nông sản nối đuôi nhau từ Phú Yên sang Bình Định và ngược lại. Từ khi tuyến đường này được xây dựng, việc tiêu thụ nông sản của bà con huyện Đồng Xuân có nhiều thuận lợi, hoạt động giao thương cũng trở nên nhộn nhịp hơn, đời sống người dân đã thay đổi rõ nét.

Ngã 3 Trà Kê, thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa là một trong những địa điểm sầm uất nhất trên trục giao thông phía Tây của tỉnh. Ngay sau khi tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình chợ Trà Kê cũng được đầu tư nâng cấp với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134 và 135. Đường về Sơn Hội không còn độc đạo một tuyến mà đã được mở ra ở cả 3 hướng, nối gần hơn với trung tâm huyện và tỉnh.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Rễ ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cảm nhận rõ sự thay đổi nơi đây:  Ngày xưa đường đi bùn đất không, chợ đây cũng không có, muốn mua hàng hóa cũng không có, giờ thì thay đổi nhiều lắm…

Trục giao thông phía Tây Phú Yên dài 115,5km, nối Vân Canh, tỉnh Bình Ðịnh, qua 3 huyện miền núi Ðồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh của Phú Yên đến huyện M'Ðrắc tỉnh Đắk Lắk. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp 4 miền núi với tổng kinh phí 609 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, tuyến đường đã góp phần tạo nên “cú huých” quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của 3 tỉnh miền núi Phú Yên.

Đường mở ra thông thoáng, nhà cửa, quán xá mọc lên. Dọc tuyến trục dọc giao thông phía Tây, các loại cây trồng chủ lực của miền núi như sắn, mía, cà phê, cao su trải dài xanh ngát. Sau 30 năm tái lập tỉnh, cuộc sống mới đã đến với những vùng đồng bào nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh./.

Nguyễn Hiền – Đắc Lâm