Ngăn ngừa sâu bệnh hại lúa Đông Xuân

23:13, 24/01/2021 [GMT+7]

 

Ngăn ngừa sâu bệnh hại lúa Đông Xuân
Ngăn ngừa sâu bệnh hại lúa Đông Xuân

 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã kết thúc gieo sạ vụ Đông Xuân theo lịch thời vụ năm nay. Hiện, các diện tích lúa trà đầu đang trong quá trình sinh trưởng, đẻ nhánh. Mặc dù ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và nông dân đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống sâu bệnh, tuy nhiên do thời tiết thuận lợi, sâu bệnh tiếp tục phát triển gây hại nhiều đồng lúa.

8 giờ sáng. Cánh đồng vẫn còn mù sương. Trên mặt lá, sương muối vẫn còn đọng dày đặc...Trà lúa sớm vụ đông xuân hiện được khoảng 1 tháng tuổi. Đây là giai đoạn lúa phát triển rễ, nhánh mạnh. Tuy nhiên, thời tiết lạnh và đặc biệt là sâu bệnh phát sinh khiến lúa bị vàng lá, không thể phát triển. Theo bà con nông dân, sương mù dày đặc kéo dài trong nhiều ngày kèm theo lạnh vào ban đêm và sáng sớm làm độ ẩm trong không khí tăng khiến các loại nấm bệnh phát triển nhanh, phát sinh sâu bệnh gây hại cây lúa. Trên các xứ đồng phía Nam thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa dễ dàng nhận thấy tình trạng lúa bị úa vàng.

So với các vụ sản xuất trước, vụ đông xuân năm nay do ảnh hưởng thời tiết kéo dài hơn nên việc phát triển của cây lúa gặp nhiều bất lợi. Kiểu thời tiết khoảng 1 tháng qua cũng rất thuận lợi cho bọ trĩ- một đối tượng gây hại chủ yếu đầu vụ lúa đông xuân, phát sinh. Thực tế cho thấy, hiện nay bọ trĩ đang bùng phát mạnh và gây hại lớn trên hàng chục hecta lúa của tỉnh.

Theo dự tính, dự báo, từ nay đến cuối tháng 3, trên diện tích lúa đông xuân, các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ nở rộ gây hại trên diện rộng. Các bệnh trên cây lúa như: đạo ôn lá, đen lép hạt, đốm nâu, thối thân thối gốc, bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại lúa.... Để ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh bùng phát, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu bệnh hại cần dùng các loại thuốc đặc trị phun trừ. Sau khi phun từ 3 - 5 ngày, tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu sâu bệnh còn phải tiến hành phun lại lần 2. Thuốc phun lần 2 khác với lần 1. Phun thuốc phải bảo đảm lượng nước ướt đều trên thân, gốc lúa. Nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm, giữ nước trên ruộng từ 5 - 15cm.

Sở NN-PTNT cũng đưa ra khuyến cáo phòng ngừa sâu bệnh hại trên cây lúa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đây là giai đoạn rất dễ phát sinh sâu bệnh hại diện rộng trên đồng ruộng của tỉnh. Theo đó, bà con nông dân cần chủ động phòng ngừa, thăm đồng kịp thời có biện pháp kiểm soát sâu bệnh hiệu quả. Ngoài ra, tùy từng giai đoạn phát triển của lúa từ nay đến thời điểm lúa có đòng già và trổ chín vẫn có thể xảy ra một số sâu bệnh, như: sâu cuốn lá; bệnh vàng lùn. Khi phát hiện sâu bệnh, bà con nông dân cần tiến hành phun thuốc diệt trừ sớm; bón phân bổ trợ giúp cây lúa khỏe mạnh và tăng sức đề kháng sâu bệnh.

Như Thùy - An Bang