Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

06:00, 18/08/2023 [GMT+7]

Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường vụ Quốc hội Cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Thường trực Uỷ ban Xã hội đều nhất trí  rằng Dự án Luật có đối tượng chịu sự tác động rất lớn và lâu dài, vì vậy cần hết sức thận trọng trong việc đưa ra các điều chỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

 Dự thảo Luật  bổ sung 1 số quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quy định nhằm xử lý trình trạng trốn đóng BHXH; đồng thời sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần, chi phí quản lý BHXH, giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể mối quan hệ giữa luật này và các luật có điều chỉnh chính sách vể bảo hiểm xã hội khác. Đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc giảm độ tuổi hưởng lương hưu; làm rõ quan điểm về việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với nhóm lao động mới; làm rõ tính mới, đặc thù trong nội dung khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến nội dung rút BHXH 1 lần, cơ quan soạn thảo trình 2 phương án. Các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp về bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó, đề nghị xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp để xem xét phản ứng dư luận xã hội, lấy ý kiến và đánh giá toàn diện để lựa chọn phương án bảo đảm tính khả thi./.

An Bang