Quốc hội cho ý kiến việc sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch

08:13, 30/05/2023 [GMT+7]

 

Quốc hội cho ý kiến việc sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch
Quốc hội cho ý kiến việc sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm nay, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát trình bày tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189.000 tỉ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vắc xin), tài trợ là trên 47.000 tỉ đồng. Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15.100 tỉ đồng. Tổng số vắc xin nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều. Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành. Căn cứ tình hình dịch bệnh, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các đơn vị, địa phương, nguồn tài trợ, viện trợ đã được phân bổ kịp thời cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch, các đơn vị tiếp nhận cơ bản đã thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định. Đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát, các đại biểu đề nghị từ những bài học kinh nghiệm qua công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục đồng lòng sẻ chia với các địa phương, hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ khó khăn kịp thời để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn các chính sách đã được Quốc hội ban hành như Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cơ sở vật chất của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi còn khó khăn, rất khó để thu hút nhân lực chất lượng cao… đề nghị và ủng hộ việc dự thảo Nghị quyết giám sát tiếp tục các chương trình đào tạo cử tuyển dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, duy trì tiêm chủng mở rộng quốc gia và quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho y tế cơ sở, nhất là y tế xã và nhân viên y tế thôn, bản để người đồng bào dân tộc thiểu số của người dân ở vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn./.   

 Hồng Thủy – Đức Hưng