Đầu tư các dự án năng lượng sạch, Phú Yên làm gì để phát huy tiềm năng, lợi thế?

14:49, 21/07/2019 [GMT+7]

 

Đầu tư các dự án năng lượng sạch, Phú Yên làm gì để phát huy tiềm năng, lợi thế?
Đầu tư các dự án năng lượng sạch, Phú Yên làm gì để phát huy tiềm năng, lợi thế?


Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, Phú Yên có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, làm gì để những dự án này phát huy hiệu quả là câu hỏi đặt ra không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cơ quan quản lý nhà nước. Tạo điều kiện để những dự án vận hành hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc tăng nguồn thu vào ngân sách địa phương.

Những ngày cuối tháng 6/2019, Hoà Hội-Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Phú Yên đã chính thức khánh thành, đưa vào vận hành. Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại Phú Yên với công suất phát điện 257 MW, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng trên 750.000 tấm quang điện, chuyển đổi trực tiếp ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện.

Cùng thời điểm này, hai nhà máy năng lượng mặt trời tại xã Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 (TX. Sông Cầu) cũng chính thức khánh thành, vận hành thương mại và hoà lưới điện quốc gia. Mỗi nhà máy có công suất 49,6 MW, sản lượng điện sản xuất đạt 76,2 triệu kWh/năm, góp phần bổ sung nguồn năng lượng tái tạo cho nguồn lưới diện quốc gia, giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng trong mùa khô. Chủ đầu tư dự án này cho rằng Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dự án năng lượng sạch và đây là tiền đề để nhà đầu tư triển khai những dự án .

Sau những dự án năng lượng mặt trời thì điện sinh khối cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Nhà máy điện sinh khối của Công ty TNHH Công nghiệp KCP là minh chứng sinh động nhất. Với công suất giai đoạn 1 nhà máy là 30MW, ngoài cung cấp cho nhà máy vận hành, năm 2017, công ty đã phát điện và đưa lên lưới điện quốc gia 49 triệu kWh. Năm 2018 công ty KCP bán được 108 triệu kWh giờ điện, doanh thu là 140 tỷ đồng. Riêng năm 2019 này, dự kiến đạt sản lượng điện đạt 75 triệu kWh.

Những dự án điện mặt trời đưa vào hoạt động là tín hiệu đáng mừng. Song nhiều ý kiến cũng lo ngại, nếu đầu tư tràn lan, không tính toán kỹ thì các dự án này sẽ chiếm quỹ đất lớn, hiệu suất đầu tư thấp. Một vấn đề hiện nay cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm là làm sao có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư với EVN trong việc tiếp nhận, vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống.

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp an tâm đầu tư vào các nhà máy điện mặt trời, điện gió, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi rất thông thoáng và đây là cơ sở của việc ra đời hàng loạt dự án trong thời gian vừa qua.

Đối với điện sinh khối, việc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các nhà máy điện ngoài giảm áp lực chi phí năng lượng cho sản xuất, còn tạo ra giá trị cao để hỗ trợ lại hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm với đường nước ngoài khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và toàn cầu./.

Lê Biết - Quốc Hoàn